Yoga và hệ cơ quan trong cơ thể

(Học viện Yoga Việt Nam)- Thuật ngữ Yoga có nghĩa là sự thống nhất và hòa nhập, sự cởi bỏ và giải thoát. Là một phương pháp tu luyện, nghĩa là tìm cách cải tạo toàn bộ con người, trong đó cải tạo phần tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nhãn quan là chính. Trong bài viết này tôi và các bạn cùng tìm hiểu xem Yoga ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của chúng ta.

Yoga có lợi cho sức khỏe như thế nào?

Cơ thể là một khối thống nhất. Sự hoạt động của các cơ quan trong một hệ cũng như sự hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể đều luôn luôn thống nhất với nhau. Như khi chúng ta tập luyện hệ vận động làm việc với cường độ lớn. Lúc đó, các hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động, tim đập nhanh và mạnh hơn, mạch máu dãn (hệ tuần hoàn), thở nhanh và sâu (hệ hô hấp), mồ hôi tiết nhiều (hệ bài tiết),… Điều đó chứng tỏ các hệ cơ quan trong cơ thể có sự phối hợp. Các cơ quan trong cơ thể có một sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đảm bảo tính thống nhất. Sự thống nhất đó được thực hiện nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh (cơ chế thần kinh) và nhờ dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn mang theo các hocmone do các tuyến nội tiết tiết ra (cơ chế thể dịch) và sự ngưng trệ hay biến đổi của một hệ cơ quan hay chỉ là một phần nhỏ trong hệ cơ quan đó cũng ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động.

(Sự phối hợp thống nhất các hệ cơ quan trong cơ thể)

Người ta có nói “Người có sức khỏe có một trăm ước muốn, người không có sức khỏe chỉ có một ước muốn duy nhất:đó là có sức khỏe” Vì vậy sức khỏe là một tài sản lớn nhất của chúng ta mà tự chúng ta phải cố gắng mới có được. Vậy thì hãy yêu thương cơ thể chúng ta từ bây giờ. Một trong những cách tăng cường sức khỏe rất phổ biến hiện nay đó là sự luyện tập, bạn có thể chọn cho mình một môn thể thao ưa thích và phù hợp. Yoga là một lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Vì sao tôi có thể khẳng định như vậy? Hãy cùng xem Yoga có lợi với cơ thể như thế nào.

Với hệ hô hấp: làm hưng phấn trung khu hô hấp, tăng thông khí phổi, giảm lượng khí cặn, cải thiện tuần hoàn phổi, tăng cường quá trình trao đổi khí ở phế nang, tăng sự hấp thu ôxy từ 10 – 70% tùy theo từng thế tập (asana), làm giảm lượng ôxy tiêu thụ, chỉ số thông khí/phút giảm 12 – 18% mà như chúng ta biết thì chỉ số thông khí càng thấp so với bình thường thì tuổi thọ càng cao. Với hệ tuần hoàn: Yoga có khả năng điều chỉnh nhịp tim và huyết áp, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, cải thiện sức co bóp cơ tim, nâng cao sức chịu đựng của cơ tim trong điều kiện thiếu ôxy, tập luyện đều đặn sẽ làm nhịp tim giảm khoảng 10%, huyết áp được điều hòa ổn định, phòng ngừa tích cực bệnh tăng huyết áp. Những người hay vận động và vận động đều đặn theo thời gian thì nhịp tim sẽ giảm nhưng lượng máu đẩy đi ra khỏi tim thì không giảm vì trong lúc chúng ta tập luyện thì tim của chúng ta cũng đang “tập luyện” theo. Tăng cường năng lực của hệ thống miễn dịch, ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính, kéo dài và cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư. Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết. Làm giảm đường máu và điều chỉnh rối loạn lipid máu. Với hệ tiêu hóa: Yoga góp phần xoa bóp các nội tạng, cải thiện công năng tiêu hóa, kích thích cảm giác ngon miệng, điều chỉnh công năng co bóp, tiết dịch và hấp thu của dạ dày ruột, cải thiện năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa Với hệ xương khớp: Tăng cường tính linh hoạt, khả năng co giãn của dây chằng, giúp cho các khớp hoạt động dẻo dai, đặc biệt là các khớp cột sống. Với hệ thống thần kinh: Yoga có tác dụng duy trì cân bằng giữa hưng phấn và ức chế, nâng cao khả năng kiểm soát của vỏ não, tăng cường lưu lượng tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ và sức chú ý, phát triển phản xạ có điều kiện, khơi dậy những tiềm năng trí tuệ vốn có, kiểm soát được phương hướng, làm giảm căng thẳng, phòng chống tác hại của stress và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.

(Thiền trong Yoga)

Ngoài ra, cải thiện chức năng giải độc của cơ thể; tiêu mỡ làm đẹp, cải tạo vóc dáng và khả năng dẻo dai của cơ thể, chống lão hóa; tăng cường khả năng thích nghi của cơ thể trước mọi biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội, giúp con người trở nên kiên nhẫn, suy nghĩ sâu sắc, dễ khép mình vào kỷ luật và giàu tính tự tin. Sức khỏe là tài sản lớn nhất của chúng ta. Nếu không có sức khỏe ngày mai bạn làm gì?

Đặc trưng và lưu ý khi tập Yoga

Chúng ta tập Yoga theo đam mê hoặc vì sức khỏe, sắc đẹp của mình. Nhưng liệu bạn đã biết những đặc trưng và lưu ý gì khi chúng ta tập hay chưa.

Yoga có những đặc trưng gì?

Điều đầu tiên bạn nhìn thấy về Yoga là thiếu mặt vận động mạnh. Yoga nghiêng về phần tĩnh của con người, về nguồn năng lượng từ bên trong cơ thể mà các môn thể thao khác không có hoặc ít đề cập. Nhưng nếu bạn tìm hiểu kĩ bạn sẽ nhận thấy trong tĩnh có động, sự hoạt động trong hơi thở, trong dòng máu nóng và trong não bộ. Yoga không làm cho người ta phát triển về cơ bắp, vai to, ngực nở… mà cái chính là làm khỏe về tinh thần và trí tuệ, nhưng cũng không vì thế mà cơ bắp kém dẻo dai. Thứ hai,Yoga lấy tập thở là chủ yếu và quan trọng. Người ta thường nghĩ là các thế tập (asana) là đặc trưng của Yoga, nhưng đó là một sai lầm đáng tiếc. Nhiều người thường mắc sai lầm trong suy nghĩ là một người giỏi thì có tư thế đẹp, tư thế khó nhưng không phải. Trong Yoga quan trọng đó là hơi thở, là sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Làm chủ hơi thở đi đôi với tập trung ý nghĩ là chủ yếu, tư thế là cần thiết nhưng không phải là trọng tâm. Thứ ba, như tôi đã nói ở trên mọi hoạt động của cơ thể đều theo một thể thống nhất của các cơ quan vì vậy nên không khó hiểu khi Yoga là một phương pháp toàn diện. Tuy nhiên Yoga lại có thêm một ưu điểm là huy động toàn bộ con người, cả về sinh lý và tâm lý, làm cho con người ổn định cả hai mặt. Cuối cùng, Yoga không đồng nghĩa với sự tiếp thu và thể hiện sức mạnh siêu nhân. Người ta thường quen nhìn nhận Yoga như một thuật lạ xa xưa, là một tôn giáo hay tín ngưỡng cùng những hành động lạ lùng. Thực chất, điều đó đã làm mất đi tính thực tiễn và khoa học của Yoga.

Chú ý khi tập Yoga

Nếu bạn rèn luyện Yoga hãy chọn cho mình một người thầy hướng dẫn đào tạo cho bạn có trái tim làm việc từ tâm và là người giảng dạy về giá trị tinh thần trong Yoga cũng như trong đời sống và làm sao để có thể áp dụng những kiến thức từ trong tư thế tập luyện asana hay trong triết lý Yoga không chỉ áp dụng được trong lớp học mà còn để áp vào cuộc sống. Người thầy này sẽ là người truyền cảm hứng cho bạn. Hãy luôn mở rộng tâm trí để đón nhận những kiến thức mới và cần xác định rõ con đường nào là bạn đang đi, không tập luyện hay học tập theo kiểu phong trào trong khi ngay bản thân mình không biết mình đang thiếu gì. Trên con đường bạn tập luyện có rất nhiều lối đi để về đích thậm chí bạn sẽ gặp những lối đi sai nhưng hãy biết phân định kiến thức đúng và sai để rèn luyện cơ thể và tâm hồn của mình đẹp hơn mỗi ngày. Đừng vì cái tôi của mình mà quên đi bản chất thánh thiện của bạn. Cuối cùng, khi tập luyện Yoga phải thực hiện tốt 4 không: không vội vã (từ từ, thận trọng và tiệm tiến), không kỷ lục (không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ và biết cách thư giãn).

Đăng kí tư vấn

    Tư vấn Zalo 0973.511.204