Tôi mong đợi gì ở giáo viên Yoga

(Học viện Yoga Việt Nam) – Giáo viên Yoga – Vừa là một người Thầy vừa là một người bạn. Trong bài chia sẻ này, tôi chỉ muốn đề cập đến những người hướng dẫn Yoga ở các lớp cộng đồng, nơi mà họ hướng dẫn khá đông người tập, nơi mà họ khó lòng lưu tâm đến từng học viên. Ngoài những hiểu biết cơ bản về việc tập và dạy các tư thế Yoga, những điều dưới đây giáo viên cần mang lại cho học viên. Đây là những điều tôi không tìm thấy ở một lớp Yoga tôi có dịp tham gia tập. Một người mới tiếp cận bộ môn Yoga có thể sẽ không mong đợi những điều này, nhưng về lâu dài tôi nghĩ họ sẽ cảm kích giáo viên đã đem lại những giá trị cốt lõi của Yoga.

Cho người tập biết mục đích/ tác dụng khi tập 1 tư thế cụ thể

Hướng dẫn người học kỹ thuật và hơi thở đúng cách

Làm việc gì cũng vậy. Ta cần biết vì sao ta làm những điều này. Tập Yoga, thực hiện một tư thế Yoga cũng không ngoại lệ. Người tập Yoga chứ không phải tập thể dục. Họ cần nắm bắt yêu cầu của việc kết nối với cơ thể trong lúc tập luyện, yêu cầu của việc cảm nhận sự di chuyển hình thái bên ngoài của động tác và hơi thở cũng như năng lượng dẫn dắt bên trong. Người tập có thể cần biết tư thế này tốt cho một bộ phận cơ thể, tư thế kia có giá trị chữa cho một chứng tật. Xa hơn người tập cần biết nên hướng ý thức vào đâu trên cơ thể họ, dần tăng cường khả năng nhận thức cơ thể. Đây cũng là nét tinh hoa của Yoga so với các bộ môn tập luyện khác. Trừ khi người tập là người đã tập luyện lâu năm, cùng với trải nghiệm đúng đắn, họ có thể thực hiện tư thế Yoga mà không cần sự dẫn dắt quá nhiều câu chữ từ người dạy, thay vào đó họ biết cách tự điều hướng cách tập của riêng họ.

Cho người tập không gian và thời gian

Người tập cần không gian và thời gian

Đồng ý rằng người tập sẽ tập theo sự hướng dẫn từng động tác, theo nhịp đếm của người hướng dẫn. Nhưng người tập cũng cần có những khoảng trống để họ nhẹ nhàng vào thế và chậm rãi ra thế. Hãy cho họ những điểm dừng nhỏ để họ thực hiện tư thế thật tròn trịa và thở trọn vẹn. Họ đến lớp tập là để họ hoàn toàn có mặt cùng với cơ thể và hơi thở của họ, không phải để bắt kịp người hướng dẫn hoặc người tập ở thảm kế bên.

Không thúc đẩy cái “tôi” của người tập

Rất nhiều trường hợp trong lớp tập, cả lớp ngoái nhìn một học viên thực hiện một tư thế nâng cao với đầy sự ngưỡng mộ. Giáo viên cũng dành ít nhiều sự tán dương riêng cho người tập đó. Nỗ lực tập luyện, đẩy bản thân xa hơn một chút gần đến giới hạn là một điều nên làm. Nhưng nếu không tỉnh thức, cả giáo viên và học viên đều đang cổ xuý cho cái tôi lên ngôi khi Học viên tự đắc vì khả năng làm thế nâng cao và giáo viên cũng “tự sướng” với tài dẫn dắt của mình.

Không thúc đẩy cái tôi của người tập

Việc một người cao tuổi làm được thế đứng bằng đầu hay một bạn trẻ móc bàn chân ra sau đầu trong thế Eka Pada Sirsasana là việc đáng nể phục. Nhưng sự tán dương mang tính dán nhãn (già mà khoẻ) hoặc nhận định bề nổi (làm được những thế quái) sẽ là những cái bẩy để bản thân người tập dễ trở nên háu thắng và luôn mang trong mình thói quen so sánh, đi ngược lại tinh thần Yoga.

Không áp đặt quá nhiều về hình thức

Một bức ảnh bạn đang ở thế trồng chuối, chia sẻ lên Facebook và Instagram không nói lên được cách bạn vào tư thế đó ra sao. Trong lớp học cũng vậy, một tư thế đẹp chưa hẳn đã chuẩn về kỹ thuật, với một số người họ không đạt hoàn hảo trong từng tư thế nhưng họ lại cảm nhận được trong từng hơi thở.

Hình thức không quan trọng mà quan trọng là kỹ thuật trong tư thế

Thật sự nhiệt huyết và có tâm

“Làm gì thì làm, hãy đặt cái tâm vào đấy”, bất cứ bạn làm gì, bạn làm cho ai thì bạn cũng cần có nhiệt huyết. Bạn không thật sự giỏi trong hình thức nhưng nếu bạn là một người có tâm huyết thì chắc chắn rồi bạn sẽ có điểm hơn người kia.

Đăng kí tư vấn

    Tư vấn Zalo 0973.511.204