Những sai lầm phổ biến của người tập Yoga

(Học viện Yoga Việt Nam) – Hiện nay Yoga đã rất quen thuộc đối với nhiều người, thế nhưng đối với những người mới bắt đầu hay đang luyện tập Yoga ắt hẳn bạn đã và đang mắc những sai lầm phổ biến này.

Không tập trung vào hơi thở

Yoga tốt thật, mang lại hiệu quả thật chỉ khi bạn thực hiện các tư thế kết hợp với hơi thở. Khi bạn thở đều thì cơ thể được cung cấp đủ oxy để đốt cháy và hỗ trợ cho cơ thể thực hiện theo ý muốn. Việc tập trung vào hơi thở giúp bạn cảm nhận được sự thống nhất giữa động tác với bộ phận của cơ thể, giữa hơi thở với thân thể, giữa thân thể với tâm hồn hay sự tĩnh tại bên trong. Mình thường đếm hơi thở, đó là cách tập trung dễ dàng và đơn giản nhất, ngay cả khi tập những động tác buộc phải nín thở thì mình vẫn tập trung vào hơi thở và đếm nó. Ở giữa khoảng nghỉ của các hiệp mỗi động tác hay ở quãng nghỉ của các động tác hoặc giai đoạn nghỉ cuối cùng, ở tư thế xác chết, thì bạn cũng nên tập trung vào hơi thở, để kiểm soát mình tốt hơn, để bài tập, buổi tập đạt hiệu quả hơn.

Đến phòng tập với cái bụng căng tròn

Đây là một điều tối kỵ trong yoga nhưng có lẽ vẫn có một số bạn sơ ý mà mắc phải. Khi bụng no, nguồn cung cấp máu được đổ dồn vào dạ dày của bạn để xử lý các chất dinh dưỡng trong thức ăn khiến các cơ bắp của bạn không có đủ năng lượng mà chúng cần để thực hiện thành công các động tác. Điều đó không có nghĩa là chúng ta đến phòng tập với cái bụng rỗng. Bạn cũng có thể ăn trước khi tập yoga nhưng chỉ nên với số lượng nhỏ và cách thời gian tập một khoảng ít nhất 1 giờ. Bằng cách đó, máu của bạn sẽ có thời gian đi đến dạ dày, nhận các chất dinh dưỡng và cung cấp cho các cơ bắp của bạn để tiến hành tư thế đầu tiên.

So sánh mình với người khác

Tập trung để tập luyện tốt nhất chứ không so sánh mình với người khác

Sai lầm lớn nhất và cũng nhiều người mắc phải nhất đó là so sánh mình với người khác. Cơ thể của ta là của riêng ta, tập luyện thế nào để tốt nhất cho cơ thể là điều tuyệt vời nhất. Đừng nhìn bất cứ ai, đừng bắt chước họ vì chúng ta khác nhau cơ mà. Hãy lắng nghe và hiểu cơ thể bạn cần gì và làm gì để nó tốt hơn, thế thôi!

So sánh với chính mình trong quá khứ

Nhiều người có thói quen so sánh mình của hiện tại với quá khứ. Họ thường phàn nàn kiểu như: ”Hồi 6 tuổi tôi thực hiện một cú nhào lộn đơn giản làm sao, vậy mà đến bây giờ cơ thể lại cứng ngắc như cây khô thế này”. Hãy nhớ rằng khi 6 tuổi, bạn là một đứa trẻ hồn nhiên chưa tiếp xúc với công việc hay căng thẳng trong cuộc sống như bây giờ. Còn hiện tại bạn đã lớn tuổi, phải ngồi làm việc liên tục trong nhiều giờ hoặc đã sinh con nên cơ thể trở nên ”nhát” hơn khi vận động là điều dễ hiểu. Do vậy, vấn đề quan trọng không phải so sánh mình hoặc sức mạnh cơ thể bạn với những gì trước đó. Thay vào đó hãy nói với chính mình: “Tại thời điểm này, đây là nơi mà tôi ở với hơi thở và cơ thể này. Tôi đang cố gắng để trở nên tốt hơn mỗi ngày”.

Đẩy cơ thể đến giới hạn mà không nhận thức được

Bạn cần biết rằng điểm giới hạn của từng tư thế là ở đâu. Nhìn bên ngoài một số tư thế Yoga có vẻ tương đối dễ dàng, đơn giản nhưng thực tế nó đòi hỏi sức lực rất lớn. Người mới bắt đầu lại không nhận thức được điều đó mà lao ngay vào những tư thế mà mình thấy yêu thích. Và hiển nhiên bạn sẽ bị đau vào ngày hôm sau, thậm chí dẫn tới chấn thương. Vậy nên hãy nghe theo sự hướng dẫn của giáo viên từng bước của buổi tập đều cần có logic của nó. Hãy vừa tập vừa quan sát chuyển động của cơ thể, không ép buộc bản thân vận động vượt ngưỡng chịu đựng. Bạn có thể tập luyện dần để đạt tới điểm tới hạn của tư thế, nhưng đôi khi điểm tới hạn lại được gây ra bởi sự va chạm của xương lúc đó bạn không thể di chuyển thêm được nữa. Vậy nên hãy hiểu cơ thể mình, bạn sẽ có cách luyện tập tốt hơn, bạn sẽ biết được đâu là giới hạn cho phép và đâu là giới hạn tột đỉnh.

Không thống nhất trong luyện tập

Luyện tập Yoga cần sự kiên trì và đều đặn. Nhiều người vì tính chất công việc cũng như những mối quan hệ xã hội mà sao nhãng việc tập luyện. Vì sao thế, bạn tập Yoga vì sức khỏe của mình. Vậy những mối quan hệ, những việc làm khác quan trọng hơn sức khỏe sao? Nếu không có thời gian đến phòng tập hãy thực hiện 15 – 20 phút mỗi ngày tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên ở những buổi bạn học được trên lớp. Nếu sau một thời gian bạn mới quay lại phòng tập thì mọi thứ lại bắt đầu từ con số 0 rồi! Do vậy các chuyên gia khuyên học viên nên thiết lập một lịch tập lý tưởng nhất quán và ổn định từ 2 đến 3 lần một tuần sẽ giúp cơ thể dần quen với các bài tập và tiến bộ hơn.

Thiếu kiên nhẫn

Sau khi tập Yoga trong một thời gian vài tuần, vài tháng hay vài năm, một số người tỏ ra thất vọng. Họ tự hỏi “Tại sao tôi không thể thực hiện được các động tác đó?”, “Tại sao cơ thể mình không có thay đổi gì thế này?”. Hầu hết họ dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ cho rằng “Có lẽ yoga không phải dành cho tôi”. Các chuyên gia khuyên mọi người có tâm trạng tiêu cực như vậy hãy suy nghĩ đơn giản hơn về những mặt tích cực, ví dụ như Yoga đã giúp bạn thư giãn và hít thở tốt hơn như thế nào, bạn ý thức hơn và hiểu hơn về cơ thể của mình ra sao…

Đăng kí tư vấn

    Tư vấn Zalo 0973.511.204