Làm thế nào để biết đến điểm tới hạn của một tư thế?

(Học viện Yoga Việt Nam) – Nhiều người thường đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để biết đến điểm tới hạn của một tư thế vì nhiều người tập khi thấy đau thì đã dừng lại rồi, không tiếp tục nữa, vậy có những người không bao giờ đến được điểm tới hạn”.

Nhiều người thực hiện các tư thế Yoga cảm thấy rất đau trong thời gian đầu, và họ nghĩ giới hạn của mình chỉ đến đấy. Nhưng nếu bạn đã tập Yoga thì hãy nhìn lại mình xem thế nào.  Hãy nhìn lại xem vào những ngày đầu tiên bạn có thể thực hiện động tác cúi gập người không và xem bây giờ sau một thời gian thì bạn đã thực hiện được tư thế đó chưa. Bạn có thể có giới hạn nhất định nào đó nhưng Yoga cần sự kiên trì. Nếu bạn kiên trì tập luyện mỗi ngày bạn sẽ nhận thấy được giới hạn của cơ thể trong từng tư thế. Ngày hôm nay bạn chưa làm được không đồng nghĩa với ngày mai cũng thế.

Như mình đã từng nói rất nhiều, mỗi người tại mỗi thời điểm đều có 1 ngôi nhà riêng để về, điểm tới hạn là ngôi nhà của họ khi đó.  Bạn cần nhớ rằng khả năng, giới hạn của mỗi người là khác nhau nên khi tập luyện bạn hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình để hiểu cơ thể cần gì và thiếu gì, lúc đó tự khắc bạn sẽ nhận ra giới hạn của mình. Để làm được một tư thế khó, hãy cắt nhỏ tư thế đó ra thành nhiều tư thế đơn giản hơn, tập cách kiểm soát từng cơ riêng biệt và cách phối hợp chúng với nhau. Ví dụ như muốn làm tư thế bánh xe, hãy cho người tập thành thạo từ cây cầu, cái bàn ngược, cái ván ngược, tập cho họ mở vai ở các tư thế đơn giản, tập cho họ cách giữ TA, tập cho họ cảm nhận kéo dài các đốt sống…

Có khi phải 2 năm một người tập cơ bản mới có thể làm được bánh xe một cách an toàn, nhưng khi đó họ không đau khi làm bánh xe. Các hành động gây đau trong khi làm một tư thế đa phần là đau cơ do kéo giãn hoặc đau khớp do xương ấn vào xương. Cả 2 cái đau này đều nên tránh.  Có rất nhiều cách kéo giãn một cơ dựa trên vị trí của cơ đó, mục đích kéo giãn của cơ đó và chất liệu cơ của người tập.  Nếu bạn hiểu cơ thể học viên, hiểu mục đích của việc kéo giãn bạn sẽ biết nên áp dụng kỹ thuật nào để kéo giãn phù hợp, và khi các cơ được kéo giãn phù hợp sẽ không có chuyện “xương ép vào xương” gây đau khớp. Bạn tập Yoga nhiều năm nhưng vẫn không đạt được như người khác. Đừng thất vọng về bản thân khi mà bạn đã đạt đến giới hạn của tư thế rồi.  Khi mà xương chạm vào xương, tức là sự đè nén đã diễn ra thì bạn có cố gắng cũng không thể thay đổi được. Hãy chấp nhận và luyện tập theo cơ thể của bạn.

Tôi được nghe kể rất nhiều về việc “uống thuốc giảm đau để tập”.  Vậy thì bạn hãy dừng lại và suy nghĩ xem “Bạn tập Yoga để làm gì” chẳng phải bạn muốn chữa lành, tập Yoga để khỏe mạnh, dẻo dai và vui vẻ. Vậy nếu bạn đã hay đang có ý định đấy thì bạn nên xem lại mục đích bạn đến với Yoga là gì. Tôi muốn bạn đến với Yoga và thật sự được khỏe mạnh, bình an và tôi mong rằng bạn hãy tập và sống chậm lại, lắng nghe và hiểu mình hơn và tìm cho mình những bài tập hay phương pháp tập phù hợp để không còn đau nữa.

Đăng kí tư vấn

    Tư vấn Zalo 0973.511.204